Nhận việc khó
Câu chuyện của người Mông xóm Gò Đá, thuộc thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú đã trở thành dấu ấn không thể nào quên trong quá trình công tác của đồng chí Đỗ Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú. Đôi mắt ánh lên niềm vui, chị Hiền kể: Một tuần chị vào xóm Đá ít nhất 3 lần sau giờ làm việc buổi chiều hoặc buổi tối để thăm hỏi, động viên, vận động. Sau cả năm tiếp cận, người Mông đã mở lòng, chia sẻ với chị những khó khăn và cả lý do người Mông theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Từ nắm bắt tâm lý của người dân, mình mới có cách phân tích, chỉ ra cái sai, cái bị lợi dụng để người Mông thấy được. Cứ vậy “mưa dầm thấm lâu” người Mông bắt đầu tin và nghe theo Đảng, chính quyền”.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú Đỗ Thị Thu Hiền (đầu tiên bên phải) thăm hỏi đời sống của người Mông xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất.
Để làm được điều này, trước đó Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy đã quyết định thành lập Tổ công tác về đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn xã Yên Phú giai đoạn 2022 - 2023 gồm 22 thành viên. Bí thư Đảng ủy Đỗ Thị Thu Hiền đã nhận làm tổ trưởng, thành viên là các đồng chí lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội xã và thôn 1A Thống Nhất. Ngay sau khi thành lập tổ công tác, chị Hiền đã tham mưu ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong tổ phụ trách tuyên truyền, vận động cụ thể từng hộ gia đình người Mông bị ảnh hưởng của Dương Văn Mình; kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm từng tuần.
Sau hơn 18 tháng kiên trì đã vận động thành công 24 hộ gia đình, 128 nhân khẩu cam kết từ bỏ không theo Dương Văn Mình, đạt 100%, trong đó có 3 hộ dỡ bỏ biểu tượng phông trắng. Ngày 30-4-2022 vận động 20 hộ gia đình đồng bào Mông treo ảnh Bác Hồ, trong đó gia đình chị Hoàng Thị Mỵ dỡ bỏ ảnh Dương Văn Mình và treo ảnh Bác Hồ, vận động 16 hộ gia đình treo cờ Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” sự đổi thay của người Mông Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú Đỗ Thị Thu Hiền chia sẻ: “Trước đây người Mông nơi này chưa treo cờ Tổ quốc như bây giờ. Cán bộ xuống họ còn không nói chuyện cùng. Nhưng nay nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc, tham gia sinh hoạt thôn và chủ động hơn trong phát triển kinh tế. Người Mông đã có nhà xây, có ô tô tải và có cả vùng na dai không hạt trồng núi đá trên 2 ha… Cuộc sống đang khá dần. Phụ nữ Mông đã tham gia Hội phụ nữ, Hội nông dân”. Chị Hiền khẳng định, “kết quả xóa bỏ được tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn xã Yên Phú giai đoạn 2022-2023, trả lại cuộc sống bình yên ở Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất là của cả hệ thống chính trị, mình chỉ góp phần thôi”.
Chị Lý Thị Chi, trạc 30 tuổi, đang cho trâu ăn, thấy chúng tôi phấn khởi hỏi: “Bí thư Hiền đưa người xuống mua bí ngô cho người Mông ạ?”. Rồi mời chúng tôi vào nhà uống nước, chị kể: “Nhờ chị Hiền người Mông bán ngô, bán na được giá hơn. Phụ nữ Mông được tham gia việc thôn, những việc mà trước đây phụ nữ Mông không bao giờ nghĩ tới”.
Nối tiếp câu chuyện, anh Ngô Văn Hồng kể: “Tôi không nhớ được mình đã theo ông bà, bố mẹ đến bao nhiêu buổi sinh hoạt của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình vào ngày Chủ nhật hằng tuần. Họ đưa ra nhiều quan điểm sai lệch, dụ dỗ, xúi giục chống đối chính quyền, không nhận hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, kích động khiếu kiện, chúng vận động người dân không tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Bây giờ mới ngộ ra mình bị lừa, chả có ai lo cho mình như Đảng và Nhà nước mình đâu. Họ lợi dụng mình thôi. Từ ngày theo Đảng, Nhà nước mình được hỗ trợ xây nhà ở, làm kinh tế, cái đói đã không còn. Giờ mình tin cán bộ muốn tốt cho người Mông”.
Sát cánh cùng Dân
Xác định giải phóng 5,3 km mặt bằng phục vụ làm đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn xã là việc trọng tâm, Chủ tịch UBND xã Thành Long Nguyễn Thị Tám đã đăng ký là việc làm đột phá trong năm 2024. Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, chị Tám đã dành nhiều thời gian nghiên cứu văn bản, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng...
Chủ tịch UBND xã Thành Long Nguyễn Thị Tám (thứ 2 từ trái qua) vận động người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn xã.
Chị Tám cho rằng: “Là người đứng đầu chính quyền cơ sở, mình phải có trách nhiệm trước những vướng mắc, khó khăn của người dân. Vì vậy mình chủ động tiếp cận Nhân dân, tìm hướng giải quyết”. Với quan điểm đó, khi người dân có vướng mắc chị sẽ tìm hiểu, cùng cán bộ xem xét giải quyết, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn xã.
Anh Hoàng Văn Mùi, thôn Loa cho biết, gia đình phải tái định cư do toàn bộ nhà cửa, vườn đều nằm trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Lúc đầu gia đình anh cũng rất băn khoăn vì nhà cửa xây dựng kiên cố, đất đai rộng rãi nhưng đền bù theo giá của Nhà nước không nhiều khiến việc kiến thiết lại gặp khó khăn. Khu tái định cư chưa có. Nhưng sau nhiều lần Chủ tịch Tám vận động, giải thích thì các thành viên trong gia đình đã thống nhất nhận đền bù. Chờ tái định cư xong sẽ thực hiện xây dựng lại nhà cửa, di chuyển.
Theo thống kê của UBND xã Thành Long, đến ngày 10-7-2024, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh xây dựng phương án đền bù cho 180 hộ ở 4 thôn; di chuyển 16 ngôi mộ ra khỏi ảnh hưởng phạm vi mặt bằng thi công, chi trả đền bù đợt 1 cho 85 hộ gia đình có nguồn gốc đất rõ ràng, không vướng mắc. Hiện xã đang tiếp tục công khai danh sách các hộ đền bù đợt 2 theo quy định để tổ chức trả tiền đền bù.
Công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa Quách Thị Minh Nguyệt căng sức chỉ đạo thực hiện. Bí thư Nguyệt thông tin: Tổng chiều dài tuyến đường cao tốc đi qua xã Thái Hòa là 4,2 km và có một nút giao từ tuyến cao tốc ra Quốc lộ 2; đi qua 5 thôn là Khe Mon, Lập Thành, Đồng Chùa, Tân Khoa, Tân Thành. Diện tích thu hồi tuyến cao tốc là 56,3 ha. Diện tích thu hồi khu tái định cư là 3,65 ha. Với khối lượng công việc nhiều, cán bộ cơ sở lại ít va chạm với công tác giải phóng mặt bằng, công việc gần như “ngạt thở”. Đảm nhận vị trí đứng đầu cấp ủy, ngoài phải gương mẫu trước cán bộ, thì phải đi đầu trong công tác dân vận.
Với tâm thế “sẵn sàng trên mọi mặt trận”, Chị Nguyệt đã cùng cán bộ huyện, xã xuống từng hộ dân, xóm dân cư khi có vướng mắc để giải quyết và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Chị Nguyệt cho hay: “Có những hộ xuống đến mấy chục lần, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã phải thay nhau vận động mới thành công. Đến nay, 178 hộ/207 hộ nhận tiền đền bù, hoàn thành di dời 33 ngôi mộ, còn 29 hộ chưa nhận đền bù do vướng nguồn gốc đất, đơn giá nhà sàn, bổ sung kiểm kê".
Mới đây, chị Nguyệt đã cùng cán bộ xã vận động được hộ ông Triệu Văn Sách, Triệu Văn Quyển, Lý Văn Bích, Lý văn Lương, thôn Khe Mon; Bàn văn Chiến, thôn Lập Thành nhận đền bù. Ông Triệu Văn Sách, thôn Khe Mon chia sẻ: “Sau khi được Bí thư Nguyệt giải thích, tôi thấy được trách nhiệm của người dân khi thực hiện chính sách của Nhà nước và khung giá đền bù đã theo quy định nên gia đình đồng thuận nhận đền bù”.
Trọng trách của người đứng đầu đối với nam giới vất vả một thì đối với nữ giới vất vả gấp đôi, gấp ba. Nhưng các chị đã không ngại khó, ngại khổ, vượt lên chính mình, nỗ lực hoàn thành những việc khó, việc lớn góp phần vào xây dựng quê hương Hàm Yên nói riêng, Tuyên Quang nói chung ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết